Ổi nữ hoàng có kích thước khá to, trung bình 1 quả nặng khoảng 400g. Khi chín, quả có màu xanh bóng với đường gân dọc theo quả. Phần ruột bên trong ăn rất giòn, có vị ngọt và thơm. Đặc biệt, ổi nữ hoàng có rất ít ruột và ít hạt. Ổi nữ hoàng rất dễ trồng và chăm sóc bởi chúng là cây dễ cho hoa đậu quả, cây cho năng suất cao. Thành phần chất dinh dưỡng bên trong quả ổi rất tốt cho cơ thể chúng ta.
Cách trồng cây ổi nữ hoàng
Xem chi tiết: Cách trồng cây ổi ăn quả
Tiêu chuẩn chọn giống cây: Chọn cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, có chiều cao tối thiểu khoảng 40cm.
Thời vụ trồng: Có thể trồng cây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng muốn có tỷ lệ cây sống cao, cây sinh trưởng tốt thì nên trồng cây vào mùa xuân. Nếu bạn trồng vào mùa hè thì chỉ nên trồng vào lúc trời râm mát như lúc sáng sớm hay lúc chiều mát chẳng hạn.
Đất trồng: Không khác gì so với các giống cây ổi cùng loài khác, cây ổi nữ hoàng thích hợp trồng ở đất phù sa, tầng canh tác dày trên 50cm, giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt.
Đào hố và mật độ trồng: Trước khi đào hố phải làm sạch cỏ, sạch rác ở khu đất đi. Đào hố có kích thước khoảng 50x50x50cm với mỗi hố cách nhau khoảng 3m. Mỗi hàng hố cách nhau khoảng 4m.
Tiến hành bón lót cho cây bằng cách trộn đều đất với phân chuồng hoai mục, phân lân, tro trấu và vôi. Đổ phân bón lót vào hố rồi lấp đất lại thành ụ đất cao khoảng 20cm so với mặt đất.
Đào hố và phân bón lót cần được chuẩn bị trước khi trồng cây khoảng 1 tháng.
Trồng cây ổi nữ hoàng: Nếu có cỏ dại trên mặt hố thì cần phải làm sạch. Xới tơi đất trồng lên rồi cuốc thành một hố nhỏ ở chính giữa bầu đất. Xé bỏ túi bọc bầu đất rồi đặt cây giống vào hố. Nên đặt cẩn thận tránh làm đứt rễ cây bởi lúc đó rễ rất yếu. Vun đất xuống hố rồi nén chặt đất quanh gốc cây nhằm giữ cây được ổn định. Tưới nước cho cây ngay. Có thể dùng rơm hay rạ để phủ gốc cây giúp giữu độ ẩm cần thiết cho cây.
Chăm sóc cây ổi nữ hoàng
Tưới nước: Cây cần có nước để sinh trưởng nên không thể chủ quan trong khâu tưới nước, đặc biệt là giai đoạn cây mới được trồng. Tưới nước hàng ngày cho cây giúp bộ rễ của cây cứng cáp. Sau đó, nếu thời tiết oi nóng thì tưới nhiều lần nước. Mùa mưa thì có thể không tưới, nhưng phải đào rãnh quanh vườn nhằm giúp cây thoát nước.
Làm cỏ: Để cỏ dại không ăn hết chất dinh dưỡng có trong đất thì định kỳ hàng năm làm sạch cỏ dại 3 – 4 lần. Việc làm cỏ sẽ giúp hạn chế sâu bệnh hại cây, giúp vườn cây được thông thoáng.
Cắt tỉa, tạo hình: Việc cắt tỉa sẽ giúp hạn chế chiều cao của cây, cây chỉ cao khoảng 1,5m để chúng ta tiện chăm sóc và thu hoạch quả. Đồng thời, cắt tỉa sẽ giúp cây cho ra các cành nhánh mới mọc đều xung quanh.
Mỗi vụ sau khi thu hoạch quả xong cần cắt bỏ những cành vượt, cành sâu bệnh, cành già yếu, cành không cho quả. Đồng thời, làm sạch vườn cây giúp vườn được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh xuất hiện.
Bón phân: Định kỳ bón phân cho cây bằng cách đào rãnh quanh gốc cây. Đổ phân chuồng hoai mục, phân NPK vào rãnh rồi lấp đất lại. Tưới nước xuống để hòa tan phân, rễ cây dễ dàng hút được dưỡng chất.
Phòng trừ sâu bệnh hại: Sâu bệnh hại là một trong những yếu tố làm giảm năng suất cây trồng. Thường xuyên quan sát để phát hiện sâu bệnh là điều rất cần thiết. Dùng thuốc bảo vệ thực vật phun luôn để sâu bệnh không lây lan ra những cây khác.